Đón nhận và ảnh hưởng Giới_tính_hạng_hai

Ấn phẩm đầu tiên bằng tiếng Pháp của Giới tính hạng hai đã bán được khoảng 22.000 bản trong vòng một tuần.[48] Kể từ đó nó đã được dịch sang 40 ngôn ngữ.[49] Vatican đã từng xếp cuốn sách vào Danh mục sách cấm (Index Librorum Prohibitorum). [50] Nhà nghiên cứu giới Alfred Kinsey đã chỉ trích Giới tính hạng hai, cho rằng mặc dù đó là một tác phẩm văn học thú vị, nhưng nó không có dữ liệu gốc (original data) có thể khơi gợi sự quan tâm hay có giá trị đối với khoa học. [51] Năm 1960, Beauvoir viết rằng Giới tính hạng hai là một nỗ lực để giải thích "tại sao hoàn cảnh của phụ nữ, thậm chí [đến tận .ND] ngày nay, vẫn, ngăn cản họ khám phá những vấn đề cơ bản của thế giới." [52] Sự tấn công vào phân tâm học trong Giới tính hạng hai đã truyền cảm hứng cho các lập luận nữ quyền tiếp nối [sau đó .ND] chống lại phân tâm học, có thể kể đến những luận điểm trong Bí ẩn nữ tính (The Feminine Mystique - 1963) của Betty Friedan, Chính trị tình dục (Sexual Politics - 1969) của Kate Millett và Nữ thái giám (The Female Eunuch - 1970) của Germaine Greer. [53] Millett bình luận năm 1989 rằng bà đã không nhận ra mình mắc nợ Beauvoir đến thế nào khi viết Chính trị tình dục. [54]

Nhà triết học Judith Butler viết, ý tưởng của Beauvoir rằng "Một người không sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ" đã phân biệt các khái niệm "giới tính (sex)" và "giới (gender)". Từ phụ nữ (woman) ở đây được Beauvoir sử dụng với nghĩa như là một kiến tạo (a construct) [xã hội .ND] hay một ý tưởng (an idea), chứ không phải như một cá nhân hay một người trong một nhóm. Butler viết, cuốn sách gợi ý rằng "giới" là một khía cạnh của danh tính (identity), là thứ "được tiêm nhiễm vào dần dần" (gradually acquired). Butler cho rằng Giới tính hạng hai có tiềm năng mang đến sự thấu hiểu triệt để về giới. [55]

Tác gia viết tiểu sử Deirdre Bair, viết trong cuốn "Giới thiệu về Phiên bản Vintage" (Introduction to the Vintage Edition - 1989), kể rằng "một trong những lời chỉ trích dai dẳng nhất" là Beauvoir "phạm tội vô ý thức", rằng bà đã tách mình ra khỏi phụ nữ khi viết về họ. [56] Bair viết rằng nhà văn Pháp Francis Jeanson và nhà thơ người Anh Stevie Smith đã đưa ra những phê phán tương tự: theo lời của Smith, "Bà ấy đã viết một cuốn sách rất lớn về phụ nữ và rõ ràng là bà ấy không thích họ, cũng như không thích, là một người phụ nữ. " [57] Bair cũng trích dẫn quan điểm của học giả người Anh CB Radford cho rằng Beauvoir "có tội khi vẽ lên phụ nữ bằng màu sắc của riêng bà" vì Giới tính hạng hai "trước hết là một văn bản dành cho tầng lớp trung lưu, bị bóp méo bởi ảnh hưởng của tự truyện đến mức các vấn đề cá nhân của chính nhà văn có thể đóng vai trò quan trọng quá mức trong thảo luận của bà về nữ tính". [57]

Học giả cổ điển David M. Halperin viết rằng Beauvoir đưa ra một quan điểm lý tưởng hóa về quan hệ tình dục giữa phụ nữ trong Giới tính hạng hai, gợi ý rằng chúng tiết lộ một cách đặc biệt rõ ràng tính tương hỗ của sự đáp ứng tình dục, thứ khắc họa đời sống tính dục của phụ nữ (suggesting that they reveal with particular clarity the mutuality of erotic responsiveness that characterizes women's eroticism). Nhà phê bình Camille Paglia ca ngợi Giới tính hạng hai, gọi nó là "xuất sắc" và là "tác phẩm đỉnh cao của chủ nghĩa nữ quyền hiện đại." Paglia viết rằng hầu hết các nhà nữ quyền hiện đại không nhận ra phạm vi trong đó các tác phẩm của họ chỉ đơn giản là lặp lại hay ghi nhận lại các lập luận của Beauvoir. [58] Trong Giải phóng phụ nữ, Giải phóng đàn ông (Free Women, Free Men - 2017), Paglia viết rằng ở tuổi 16, bà đã "choáng váng bởi tông giọng đầy uy nghiêm, quả quyết của Beauvoir, và sự càn quét đầy tham vọng qua không gian và thời gian" (stunned by de Beauvoir's imperious, authoritative tone and ambitious sweep through space and time), thứ đã truyền cảm hứng để bà viết tác phẩm phê bình văn học Con người tính dục (Sexual Personae - 1990). [59]